Chúng ta có thể giúp một đứa trẻ ở lứa tuổi thiếu niên duy trì sự lạc quan từ thời thơ ấu hay không? Những kỹ năng giúp tuổi Teen tự tin trong quá trình phát triển là gì?
Tuổi Teen là khoảng thời gian đẹp trong cuộc sống. Lứa tuổi này sẽ bắt đầu có những tò mò khám phá nhiều sự việc hơn, trong đó có cả những bất an, lo lắng về bề ngoài, sự an toàn v.v…
Cha mẹ chúng ta hoàn toàn có thể có sự chuẩn bị giúp con bạn xây dựng sự tự tin. Những thanh thiếu niên bước vào lứa tuổi Teen với vẻ tự tin sẽ chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những thử thách và đưa ra quyết định đúng đắn. Thậm chí trẻ có thể học được cách phục hồi sau thất bại.
Dưới đây là bộ cẩm nang các kỹ năng giúp trẻ tuổi Teen xây dựng sự tự tin vững vàng.
Thúc đẩy hoàn thiện bản thân
Những đứa trẻ tuổi Teen khi bắt đầu khám phá một môn học hoặc điều mới lạ sẽ có thể rơi vào trạng thái tiêu cực sợ thất bại. Ví dụ, một đứa trẻ gặp khó khăn với môn Toán có thể cho rằng mình không thông minh. Hoặc một cậu bé không được tuyển vào đội bóng đá của trường có thể nghĩ mình không giỏi thể thao.
Cha mẹ cần giúp trẻ có một sự cân bằng lành mạnh giữa chấp nhận bản thân và tự cải thiện. Hướng dẫn con bạn thấy rằng mọi người đều cần chấp nhận những sai sót của bản thân đồng thời cần cố gắng để trở nên tốt hơn. Thay vì tự cho mình là “không thông minh”, hãy chỉ ra những điều con bạn có thể làm tốt.
Để thúc đẩy sự tự hoàn thiện ở con bạn, hãy giúp trẻ xác định điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình. Sau đó, cổ vũ trẻ tham gia vào việc thiết lập mục tiêu và giải quyết vấn đề trong những lĩnh vực mà trẻ gặp khó khăn.
Đừng buồn phiền về những lỗi lầm
Đưa ra những minh chứng để trẻ thấy rằng bất kỳ ai cũng mắc sai lầm và điều quan trọng là chúng ta học được gì từ những sai lầm đó chứ không phải chăm chăm vào chúng. Những người tự tin không để nỗi sợ thất bại cản đường họ — không phải vì họ chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ thất bại, mà vì họ biết cách đứng lên sau thất bại.
Khen ngợi quá trình thực hiện của trẻ thay vì chỉ công nhận kết quả
Thay vì khen con bạn đạt điểm cao trong một kỳ thi, hãy khen ngợi trẻ về tất cả những nỗ lực trẻ đã thực hiện và những điều con đã học được. Ví dụ thay vì nói “Làm rất tốt khi ghi được năm điểm đó trong trò chơi”, hãy nói “Tất cả những gì con đã luyện tập được đền đáp rồi”. Hãy cho trẻ thấy rằng điều quan trọng là phải cố gắng và không bỏ cuộc, cho dù kết quả không thành công thì bản thân đã nỗ lực hết mình. Kỹ năng này sẽ rèn luyện cho trẻ sự tự tin và kiên trì thực hiện điều mình muốn.
Xây dựng kỹ năng quyết đoán cho trẻ
Trẻ tuổi Teen cần biết cách lên tiếng cho bản thân với một thái độ cư xử phù hợp.
- Một bạn trẻ quyết đoán sẽ có thể yêu cầu sự giúp đỡ khi trẻ không hiểu bài tập ở trường, thay vì ngại ngùng để bị tụt lại phía sau.
- Một bạn trẻ tự tin giao tiếp, quyết đoán khi biện luận cũng dễ dàng hòa nhập và ấn tượng với các bạn đồng trang lứa hơn. Trẻ sẽ tự lên tiếng khi không thích cách mình bị đối xử và thể hiện suy nghĩ của mình thẳng thắn.
Để dạy con bạn trở nên quyết đoán, hãy bắt đầu bằng cách nói về sự khác biệt giữa quyết đoán và hiếu chiến. Hãy cho trẻ biết rằng trở nên quyết đoán có nghĩa là tự mình đứng lên thể hiện suy nghĩ bằng giọng nói mạnh mẽ và tự tin mà không thô lỗ, không quát mắng người khác.
Những cách khác để truyền đạt kỹ năng quyết đoán bao gồm cho phép trẻ đưa ra lựa chọn khi giải quyết vấn đề và giúp trẻ nhận định lựa chọn đó đúng hay chưa đúng.
Khuyến khích trẻ khám phá và đón nhận những cơ hội mới
Mạnh dạn thử các hoạt động mới, khám phá tài năng tiềm ẩn và thử thách bản thân có thể giúp tăng cường sự tự tin của tuổi Teen. Nhưng nhiều thanh thiếu niên sợ thất bại và không muốn tự làm mình xấu hổ.
Khuyến khích con bạn tham gia một câu lạc bộ mới, chơi nhạc cụ, học môn học mới lạ, tham gia vào công việc tình nguyện hoặc hoạt động giúp đỡ cộng đồng. Thành thạo các kỹ năng mới sẽ giúp trẻ cảm thấy bản thân có ích và tự tin với mọi người xung quanh.
Đừng bỏ lỡ Khóa học lập trình cho tuổi Teen
Xây dựng hình mẫu sự tự tin
Trẻ sẽ học hỏi và đưa vào nhận thức rất nhanh về những điều trẻ nhìn thấy người khác làm chứ không phải những gì họ nói.
Cha mẹ có thể lấy chính mình làm tấm gương hình mẫu về sự tự tin cho trẻ. Hãy kể về những kinh nghiệm bạn trải qua, cách bạn giải quyết vấn đề bằng sự tự tin, quyết đoán. Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ xem những tư liệu phim ảnh về những danh nhân lịch sử, thiên tài khoa học để trẻ nhìn thấy những thành tựu họ có được bằng sự tự tin, dám nghĩ dám làm.
Một hình mẫu khác có thể mang đến hiệu ứng tích cực để trẻ củng cố sự tự tin, đó là chính bản thân trẻ. Cha mẹ hãy đưa ra một hành động trẻ từng làm thể hiện sự tự tin và nhắc lại kết quả mà trẻ đạt được từ hành động đó.
Nhìn nhận sự không hoàn hảo
Từng bước trưởng thành, chúng ta sẽ dần nhận ra rằng sự hoàn hảo là không thực tế và điều quan trọng là trẻ em cần nhận được thông điệp này càng sớm càng tốt. Giúp trẻ hiểu rằng dù là các danh nhân vĩ đại, người nổi tiếng hay có địa vị xã hội đều tồn tại khuyết điểm. Không ai là hoàn hảo. Đừng phủ nhận bản thân mà thay vào đó hãy củng cố những điểm mạnh của mình, hạn chế đến tối thiểu những khuyết điểm.
Tham khảo “Công nghệ thông tin giúp trẻ tự tin như thế nào?”
Kết
Khi các bạn tuổi Teen sở hữu sự tự tin, trẻ sẽ tự xây dựng khả năng chấp nhận rủi ro, suy nghĩ chín chắn và đi đến những quyết định đúng giúp trẻ đạt được điều mình muốn trong cuộc sống. Sự tự tin còn tiếp thêm sức mạnh cho khả năng phục hồi sau thất bại, rèn luyện tính lạc quan giúp trẻ vượt qua khó khăn trong các khía cạnh cuộc sống.
“Tự tin đích thực đến từ sự vững mạnh bên trong, từ nỗ lực cải thiện bản thân tốt lên mỗi ngày.”
[Tài liệu tham khảo: verywellfamily.com]