Có nên cho trẻ sử dụng mạng xã hội quá sớm?

Ngày nay mạng xã hội phổ biến và có mặt ở khắc mọi nơi chúng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người.  Không ít bậc phụ huynh cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử, mạng xã hội ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Vậy có nên cho trẻ sử dụng mạng xã hội quá sớm hay không? Hãy cùng KASE Edutech đi tìm câu trả lời nhé.

 Trẻ nhỏ và mạng xã hội

Theo một khảo sát thực tế gần đây trên 1.000 hộ gia đình, kết quả thu được rằng gần 50% trẻ độ tuổi từ 5 đến 13 biết truy cập mạng xã hội. Không những thế 1/5 trong số chúng có tài khoản mạng xã hội riêng.

Trẻ cảm thấy hào hứng và thu hút bởi game online, các bé cũng thích xem chơi game trên Youtube, kết nối bạn bè trên Instagram và Facebook.

Số lượng trẻ em ngày càng nhỏ tuổi sử dụng mạng xã hội đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với các chuyên gia y tế, những người chỉ ra ngày càng có nhiều nghiên cứu về tác hại mà những nền tảng này có thể gây ra cho các con.

Những mối nguy hiểm tiềm tàng

Tác động xấu đến sức khỏe

Theo tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy cho biết 5 – 13 tuổi là khá sớm để trẻ em có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội, mặc dù các trang web cho phép trẻ em ở độ tuổi đó tham gia, nhưng trẻ em vẫn đang “phát triển bản sắc của chúng”.

Một nghiên cứu khoa học được các chuyên gia công công bố vào tháng 1 trên tạp chí JAMA Pediatrics đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên có xu hướng nhạy cảm thần kinh cao hơn ở một số phần trong não. Điều này dẫn đến việc chúng sẽ nhạy cảm hơn với các hậu quả xã hội theo thời gian.

Tiến sĩ Adriana Stacey là bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm. Trao đổi với CNN ông cho biết, việc trẻ sử dụng mạng xã hội sẽ giải phóng một “bãi chứa dopamine” trong não. “Khi chúng ta làm những việc gây nghiện như sử dụng cocaine hoặc sử dụng điện thoại thông minh, não của chúng ta sẽ giải phóng rất nhiều dopamine cùng một lúc. Nó bảo vệ não của chúng ta tiếp tục sử dụng điều đó. Đặc biệt đối với trẻ, phần não này của chúng thực sự hiếu động hơn so với người lớn. Chúng không thể có động lực để làm bất cứ điều gì khác”.

Chính vì điều đó việc trẻ sử dụng mạng xã hội quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não theo những cách khác nhau như kỹ năng đọc viết hoặc khả năng sử dụng ngôn ngữ biểu cảm. Ngoài ra trẻ sẽ trở nên lười vận động dẫn đến cận thị, mất ngủ, béo phì và tệ hơn là gù lưng.

Bắt nạt và bạo lực mạng

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 31% học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến. Ngay cả một đề xuất tìm kiếm vô tình cũng có thể dẫn đến những hình ảnh không phù hợp lứa tuổi, trò chơi và video mang tính bạo lực đáng kinh ngạc, trẻ có thể học theo những nội dung xấu mà cha mẹ không thể biết được. Thế giới ảo với chức năng ẩn danh đã tạo điều kiện cho những hành vi ứng xử chưa văn minh, thiếu chuẩn mực.

Nguy cơ trẻ bị lừa đảo và lợi dụng

Cha mẹ thường tin tưởng con cái của họ an toàn và thông minh khi online. Vấn đề là 1/3 phụ huynh đã không hướng dẫn con mình cách giữ an toàn trên mạng xã hội. Thực tế, mạng xã hội là nơi hoạt động mạnh của nhiều đối tượng lừa đảo. Trẻ nhỏ lại là thành phần còn non nớt, thậm chí là gần như không có kiến thức cũng như kỹ năng sống, cho nên rất dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu.

Giúp con sử dụng mạng xã hội hiệu quả và an toàn

Nhận thấy được sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến trẻ, nhiều bậc phụ huynh ra sức ngăn cấm trẻ sử dụng các thiết bị điện tử. Trông thì có vẻ hiệu quả, nhưng thực tế thì việc làm trên dễ phản tác dụng vì trẻ nhỏ thường thích tò mò khám phá, nên khi bố mẹ ra sức ngăn cấm sẽ khiến trẻ càng thêm kích thích và mong muốn tìm hiểu nhiều hơn. Vì thế thay vì tìm cách cấm con, bố mẹ cần theo sát và hướng dẫn các bé sử dụng mạng xã hội hiệu quả và an toàn.

Có nên cho trẻ sử dụng mạng xã hội quá sớm?

Quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội

Phụ huynh cần giám sát và quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ, yêu cầu bé đồng ý những quy định mà bạn đặt ra khi sử dụng Internet. Bé có thể sử dụng mạng xã hội để giải trí, học hỏi kiến thức mới sau khi đã hoàn thành tất cả các bài tập, công việc được giao.

Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, các bộ môn thể thao. Giúp các bé tăng cường sức khỏe, kỹ năng sống cũng như hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội.

Khuyến khích con phát triển phong cách ứng xử văn minh trên internet

Ngay cả người lớn cũng mắc sai lầm trên mạng xã hội và có thể trẻ em cũng vậy. Nhiều trẻ nhỏ nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, có làm gì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng xã hội là một xã hội thu nhỏ, tất cả những hành vi ứng xử trên mạng của bé đều ảnh hưởng tới bản thân và mọi người.

Do đó, bố mẹ cần giải thích cho con những mặt tốt và xấu của mạng xã hội. Những chủ đề nên xem và không nên xem, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh không miệt thị, chửi bới người khác. Trẻ cần nói với người lớn về bất kỳ hành vi xấu xa nào để cùng nhau giải quyết. Dạy chúng không được sử dụng công nghệ để làm tổn thương ai đó.

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng khi trẻ dùng mạng xã hội có thể tâm sự với bố mẹ nếu thấy khó chịu hoặc lo lắng về điều gì đó. Không nên giữ bí mật và từ chối nhận sự giúp đỡ từ người lớn chỉ vì sợ gặp thêm rắc rối.

Bảo mật thông tin trước những mối đe dọa mạng

Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con mình cách giữ an toàn trên mạng xã hội. Những thông tin cá nhân như tên, tuổi, trường học, địa chỉ nhà… tuyệt đối không được chia sẻ lên mạng xã hội để tránh các đối tượng xấu lợi dụng.

Đừng kết bạn với những người lạ mà bạn không biết, nếu con bị quấy rầy cần thông báo ngay cho người lớn. Đối với trẻ còn nhỏ, những bài mà bé đăng trên mạng xã hội cần được hạn chế người xem để tránh bị dòm ngó từ người lạ.

Qua bài viết KASE Edutech hi vọng đã giải đáp được phần nào thắc mắc của các bậc phụ huynh về việc “Có nên cho trẻ sử dụng mạng xã hội quá sớm?”. Có thể thấy việc trẻ tiếp cận internet và sử dụng mạng xã hội có mặt tốt cũng như xấu. Nếu sử dụng đúng cách mạng xã hội cũng đem lại lợi ích nhất định cho trẻ, giúp trẻ tiếp cận công nghệ, kỹ năng số cũng như giao tiếp với nhiều người. Ngược lại nếu lạm dụng có thể để lại nhiều hậu quả và các vấn đề về tâm lý ở trẻ.

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

0938.031.386
Chat Zalo