Hằng năm, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) luôn dành ngân sách đáng kể, có khi lên đến hàng chục triệu USD, cho rất nhiều dự án phát triển giáo dục ở Việt Nam.
Trong các hoạt động hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam thông qua USAID, giáo dục luôn nằm trong nhóm được ưu tiên hàng đầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Ann Marie Yastishock, giám đốc USAID Việt Nam, cho biết USAID sẽ đồng hành lâu dài cùng Việt Nam hiện đại hóa giáo dục ĐH với các lĩnh vực ưu tiên là giáo dục khai phóng, công nghệ – kỹ thuật và y khoa.
Kiến tạo nguồn nhân lực cạnh tranh
* Bà vừa tham dự lễ khai giảng của ĐH Fulbright Việt Nam (FUV), ngôi trường được xây dựng trên mối quan hệ hữu nghị Mỹ – Việt. Trong buổi lễ đặc biệt khi TP.HCM vừa kết thúc đợt giãn cách “lịch sử”, bà có cảm nhận thế nào?
– Trước hết, tôi rất lạc quan về việc mở cửa trở lại cũng như những điều chỉnh cần thiết cho trạng thái “bình thường mới”. TP.HCM và các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch gần đây nhưng tôi nhận thấy Chính phủ đã rất mạnh mẽ và bền bỉ trong “cuộc chiến” chống COVID-19.
Lễ khai giảng của FUV chính là một minh chứng cho việc mở cửa trở lại, vì vậy sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt. Gặp gỡ các bạn sinh viên trẻ, nhất là những sinh viên ưu tú của FUV, đã mang lại cho tôi nhiều cảm hứng, đồng thời cũng cho thấy các bạn đã và đang thích ứng rất tốt trước những chuyển động của một thế giới số.
* Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch của FUV, từng không ít lần bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của USAID trong quá trình hình thành và phát triển FUV. Bà có thể cho biết thêm về sự hiện diện của USAID Việt Nam trong bức tranh chung của FUV, thưa bà?
– Chính phủ Mỹ có quan hệ hợp tác lâu dài với FUV. Tiền thân của FUV là chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã đào tạo hơn 1.200 nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam về chính sách công trong hơn hai thập niên.
Những gì mà USAID dành cho FUV là chương trình hỗ trợ quan trọng nhất của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục khai phóng. USAID đã sát cánh cùng FUV kể từ khi trường thành lập năm 2017, qua đó nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và nghiên cứu.
* Vì sao USAID Việt Nam luôn dành một vị trí quan trọng cho các hoạt động phát triển giáo dục trong danh mục các dự án của mình tại Việt Nam, thưa bà?
– Là một phần trong cam kết của Chính phủ Mỹ với Việt Nam, USAID đang hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới hệ thống giáo dục ĐH và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Mục tiêu là nhằm đào tạo ra một lực lượng lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng, đáp ứng các nhu cầu của một nền kinh tế đang hiện đại hóa nhanh chóng và thị trường toàn cầu ngày một cạnh tranh.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng so với các nước trong khu vực nhưng Việt Nam vẫn có sự độc đáo riêng trong quỹ đạo phát triển của mình.
Chúng tôi đánh giá cao Luật giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 của Việt Nam, xem đây là một bước đi táo bạo nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục ĐH mang tính cạnh tranh toàn cầu.