Ngày nay, công nghệ đang ngày càng phát triển, việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và học Lập trình máy tính, đang là xu hướng phát triển phá mạnh mẽ tại Việt Nam và các nước trên thế giới.
Năm 1967, ba nhà khoa học máy tính của Mỹ đã sáng tạo ra ngôn ngữ lập trình giáo dục mang tên Logo. Với nó, trẻ em có thể dùng để lập trình ra chú rùa xanh di chuyển trên nền đen và vẽ ra các hình khối toán học. Khi ấy, các nhà khoa học đã nhìn thấy việc lập trình chính là cách hữu hiệu để giúp trẻ phát triển sự tự tin và làm chủ công nghệ mà một ngày nào đó sẽ trở thành một phần không thể thiếu của thế giới hiện đại.
Ngày nay, ngôn ngữ lập trình trở nên phổ biến toàn cầu, đặt ra nhu cầu học thứ ngôn ngữ này ngay từ tấm bé với mức độ quan trọng không hề kém cạnh việc học tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nói nào khác.
Kế thừa ý chí của Logo, hàng loạt ngôn ngữ lập trình giáo dục dành cho trẻ em đã ra đời như AgentSheets, Etoys, Scratch hay Blockly. Trong đó, Scratch hiện được xem là ngôn ngữ lập trình cho trẻ em nổi tiếng nhất thế giới với 58 triệu người dùng trên 150 quốc gia và khả dụng ở 40 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt.
Sở dĩ Scratch trở nên phổ biến đến vậy là nhờ tính trực quan, dễ hiểu, thao tác kéo và thả đơn giản kích thích khả năng sáng tạo của trẻ nhỏ. Nhờ đó, các em có thể thỏa sức sáng tạo game, âm nhạc, phim hoạt hình, kể chuyện bằng hình ảnh với ngôn ngữ lập trình này.
Nhưng nổi tiếng hơn cả phải kể đến Code.org, tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu thúc đẩy khoa học máy tính trong các trường học và được hỗ trợ bởi những ông lớn công nghệ Mỹ như Amazon, Facebook, Google hay Microsoft. Tổ chức đã thu hút được 53 triệu học viên lứa tuổi từ 4 – 18 tuổi tạo ra hơn 111 triệu dự án. Và tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
Tại Việt Nam, việc dạy lập trình cho trẻ nhỏ bắt đầu được quan tâm trong một vài năm trở lại đây. Trong đó, xuất hiện một số trung tâm, lớp học lập trình dành cho các bạn nhỏ từ bậc tiểu học đến THCS. Tuy nhiên, trước khi cho con ghi danh, phụ huynh cần tìm hiểu rõ sở thích, tính cách của trẻ, từ đó hướng đến những hoạt động học mà chơi phù hợp, tránh lãng phí tiền bạc của bản thân cũng như tuổi thơ của các con.
Theo Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học, lập trình sẽ có cách tiếp cận mới theo hướng trực quan hiện đại trải đều ở ba cấp học như dạy Scratch (hoặc Logo) ở bậc tiểu học và THCS; dạy Python (hoặc Java, C#) ở cấp THPT. Chương trình Tin học mới này sẽ triển khai thay thế hoàn toàn chương trình cũ theo lộ trình từ nay đến năm học 2024-2025, theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con em mình tìm hiểu về máy tính, mạng Internet nói chung. Còn việc dạy và học lập trình đã có lộ trình căn bản nằm trong môn Tin học từ lớp 3 đến lớp 12, không cần thiết phải ‘chạy đua’ nếu trẻ không bộc lộ đam mê, năng khiếu với máy tính từ nhỏ.
Theo vietnamnet.vn