Học kỳ này, nhiều trường, cơ sở giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống phải dạy học trực tuyến.
Không riêng các sinh viên, mà cả ngành giáo dục, không ai dám chắc và biết trước dịch bệnh kéo dài bao lâu và nguy cơ buộc phải dạy học trực tuyến, gặp nhau qua các nền tảng xã hội sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa.
Ở một góc của Sài Gòn. Khi đi xuyên qua những con phố, lướt qua những tòa nhà, người ta dễ dàng nhận ra chẳng chịt những hàng rào chắn cách ly. Lệnh phong tỏa, giãn cách ban ra, hàng rào khắp nơi được dựng lên thì những những cảnh cổng trường dần khép lại, dần ám màu bụi đường hay rêu phủ. Không chỉ sinh viên mà thầy cô giáo cũng ở nhà.
Chúng tôi buộc phải hẹn nhau ở một không gian mới, vừa quen, vừa lạ. Các nền tảng học trực tuyến dần trở thành quen và là câu chuyện cửa miệng của chúng tôi. Từ Zoom, Google Meet, Microsoft Team, cho đến Webex hay Slack. Trong thời gian giãn cách, nhiều trường đã hoàn thiện các phương án, phần mềm, không chỉ để giúp cho tình huống khó lường, mà tin rằng nó còn giúp cho việc dạy và học không bị gián đoạn trong mùa dịch.
Mấy ngày qua, nhiều đồng nghiệp lẫn sinh viên chia sẻ rằng họ băn khoăn và dĩ nhiên là lo lắng. Thời điểm này, mọi khi, lẽ ra chúng tôi đã được hạnh ngộ sau một mùa hè, gặp nhau trước cổng trường, qua giảng đường đông đúc. Giờ đây, sinh viên bị buộc phải làm quen và tiếp tục gặp giảng viên qua màn hình máy tính xách tay hay điện thoại cầm tay ở các giờ học tập trung.
Trong rất nhiều nỗ lực để thích ứng với thời cuộc và đại dịch, điều quan trọng dễ nhận thấy là các trường đã tạo điều kiện để cả giảng viên lẫn sinh viên quen dần, cảm thấy thoải mái với các công cụ kỹ thuật số khác nhau khi phải học trực tuyến.
Trong những trường hợp đặc biệt, với nhiều chuyên ngành đặc thù, giờ làm việc bình thường không đủ cho giáo viên, và đặt ra nhiều thách thưc khi bắt đầu chuyển sang dạy trực tuyến. Cụ thể, việc điều chỉnh, lập kế hoạch, đưa ra hướng dẫn, hay đánh giá các hoạt động của mỗi sinh viên lại mất nhiều thời gian hơn so với việc tổ chức một lớp học bình thường trên lớp. Các giảng viên như chúng tôi cũng buộc phải học nhiều điều mới trong một khoảng thời gian ngắn và cập rập.
Năm ngoái, đã có không ít trường, cơ sở giáo dục đại học phải bắt đầu đưa ra các quyết định về đánh giá, thi cử và tốt nghiệp. Nhiều đơn vị đã phải đắn đo, vật lộn và đặt nhiều cân nhắc cho những lựa chọn khó khăn về cách đánh giá việc học tập trực tuyến của sinh viên, kể cả kiến tập, hay thực tập cuối khóa. Có hoãn lại, có cách làm mới. Rồi có phương thức hợp lý, hợp tình để điều chỉnh nhiều tiểu luận, bài kiểm tra cuối cùng. Và rồi, các trường và dựa trên cơ sở, hoàn cảnh thực tế đó để có kế hoạch đưa ra phương hướng tuyển sinh cho năm học tiếp theo.
Tôi nhận được phản hồi từ các sinh viên, thông qua một khảo sát như một phần trong chương trình giảng dạy. Rất đông sinh viên đã chia sẻ rằng ngay cả những giờ học trực tuyến tốt nhất cũng sẽ không bao giờ cho phép trải nghiệm đầy đủ môi trường, không khí học tập như nó vốn có. Bầu không khí nhộn nhịp của lớp học, giảng đường, việc sinh viên được sinh hoạt, học cùng nhau, tương tác với giảng viên, bạn bè… là những hạn chế hiện hữu dễ thấy nhất.
Thời điểm các biện pháp giãn cách xã hội vẫn còn chưa được dỡ bỏ, xung quanh những câu chuyện về chủ đề giáo dục, người ta nhắc đến nhiều hơn đến thuật ngữ MOOCs, tạm gọi là giáo dục trực tuyến mở đại trà. Thuật ngữ MOOCs (Massive Open Online Course), có mối liên hệ mật thiết với distance learning (hay còn gọi là việc học từ xa). Một điểm nổi bậc khi người ta nhắc đến MOOCs đó là cơ hội truy cập vào các chương trình học tiên tiến một cách miễn phí. Điều này, đồng nghĩa với gánh nặng chi phí giáo dục đại học nhẹ đi bớt phần nào và có khả năng thay thế các mô hình giáo dục đại học truyền thống.
Chính vì vậy, mô hình này có thể giúp ích cũng như khuyến khích các trường đại học đưa các khóa học gần hơn với không chỉ sinh viên, mà rộng rãi với công chúng bằng cách tiến hành xây dựng và phát triển các khóa học trên các nền tảng học tập mở…
Quá trình giúp cho giảng viên, sinh viên bắt nhịp với việc học trực tuyến qua các nền tảng công nghệ có thể là một quá trình đòi hỏi đầu tư thời gian, có sự chuẩn bị và lên kế hoạch. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi có chung suy nghĩ, chúng ta hy vọng cuộc sống sớm bình thường trở lại để được gặp mặt các sinh viên. Nhưng cũng cần có sự chuẩn bị thích hợp cho những tình huống không như ý nguyện. Rằng là đại dịch vẫn chưa qua. Câu chuyện giáo dục bị tác động bởi đại dịch vẫn còn được bàn và mổ xẻ. Tôi biết, các cá nhân có liên quan đến giáo dục đều có chung nhận định, rằng các giải pháp đào tạo từ xa, nay trực tuyến trong bối cảnh đại dịch sẽ được sử dụng một cách tự tin hơn, thuần thục và thuận tiện hơn cho cả thầy, cả trò.
Chắc chắn, việc dạy và học trực tuyến đã làm cho chúng tôi nhận thức được những khả năng mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây, đó là việc dạy và học từ bất cứ nơi nào trên đất nước, chỉ cần có kết nối internet và các thiết bị điện tử cần thiết, máy tính cá nhân hay chiếc điện thoại thông minh. Tất nhiên, thuận lợi khó và khó khăn, bỡ ngỡ cũng nhiều. Sinh viên chắc chắn cần các hình thức lớp học hấp dẫn và tiếp xúc trực tiếp với các giảng viên.
Dù ngành giáo dục luôn ưu tiên dạy học trực tiếp, nhưng rõ ràng, cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống phải dạy học trực tuyến trong điều kiện hiện nay. Chưa ai, không ai có thể biết dịch bệnh kéo dài bao lâu và nguy cơ phải quay lại học trực tuyến sẽ diễn ra lúc nào. Nhưng chắc chắn rằng, sau đại dịch, người ta có lý do quan tâm đến kỹ năng tin học, chú trọng nhiều hơn đến các nền tảng công nghệ sau mùa dịch là vậy.
nguồn: thanhnien.vn