Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi yêu cầu học sinh tư duy sáng tạo và có kỹ năng linh hoạt giải quyết vấn đề.
Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022 có nội dung giảng dạy mang tính thực hành cao, sát với ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống. Nhờ đó, học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức và tự hình thành kỹ năng, trong đó bao gồm cả tư duy sáng tạo và sự linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề.
Hạn chế tình trạng “học tủ”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cố vấn và giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, chương trình mới có nhiều sự lựa chọn hơn về sách giáo khoa. Do đó, học sinh có thể học bài giảng mở, trong đó có phần liên môn và xây dựng dự án giúp các em học thông qua việc ứng dụng và trải nghiệm. “Chương trình còn có thiết kế theo mạch đồng tâm xoáy ốc, nghĩa là có nhiều nội dung kiến thức xuất hiện từ các cấp, lớp dưới với những yêu cầu đạt chuẩn nhất định và phát triển dần lên các cấp, lớp trên”, ông nói thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân.
Đối với môn Toán, thay vì chỉ xuất hiện ở lớp 10, lớp 11, ở chương trình mới, mạch xác suất thống kê đã xuất hiện từ lớp 2. Việc nhấn mạnh phần đo lường, xử lý số liệu, xác suất thống kê giúp học sinh hình thành kỹ năng từ sớm. Như vậy, sự thay đổi về mục tiêu và việc giảng dạy theo yêu cầu của chương trình mới cũng là cơ hội cho học sinh thay đổi cách học.
Nếu như ở các lớp dưới, học sinh không nắm được yêu cầu cần đạt của từng môn, càng về sau, các em sẽ càng đuối do kiến thức sâu và nâng cao hơn. Bên cạnh đó, với mục tiêu hướng tới phát triển năng lực trong chương trình mới, việc kiểm tra, đánh giá không chỉ gói gọn trong một bài thi mà còn có những bài đánh giá, hệ thống kiểm tra mức năng lực của học sinh đã đề ra trong khung.
Như vậy, học sinh sẽ không rơi vào tình trạng học tủ, chỉ học để thi. Thay vào đó, các em phải nỗ lực trong suốt quá trình học, tích cực giải quyết các nhiệm vụ được giao, đồng thời tự thực hiện xử lý tình huống theo cách riêng. Việc này giúp các em thể hiện năng lực trong cả quá trình học và giáo viên sẽ lưu lại để đánh giá từng cá nhân.
Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng khẳng định, chương trình mới khuyến khích trở thành người tham gia tích cực vào quá trình học tập, theo đó thúc đẩy năng lực giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo của bản thân.
Cô ví dụ việc đưa văn bản nghị luận vào chương trình Ngữ văn 6 là một điểm mới hoàn toàn so với hiện nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xã hội, khi học sinh lớp 6 của thế hệ mới đã tiếp cận với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, việc trang bị những công cụ tư duy đa chiều, phản biện giúp các em nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách sâu sắc hơn, từ đó có những lựa chọn đúng đắn khi xử lý tình huống trong đời sống, học tập.
Cô nhận định, với sự thay đổi này, văn chương không còn nằm ngoài lề cuộc sống. Học sinh có thể nhận thức bản thân cần quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề xã hội, từ thực trạng, hậu quả, nguyên nhân đến giải pháp để học văn nghị luận tốt hơn. “Hơn thế nữa, điều đó cũng giúp các em hình thành thói quen nghĩ và viết một cách linh hoạt, logic, có căn cứ thuyết phục khi trình bày ý kiến, quan điểm”, nữ giáo viên nói.
Lời khuyên dành cho phụ huynh, học sinh
Với nhiều thay đổi trong chương trình học mới, Tiến sĩ Hoàng Lân đưa ra một số lời khuyên như sau:
Phụ huynh nên đồng hành sát sao hơn khi con học chương trình GDPT mới. Từ đó, chủ động tìm hiểu yêu cầu của chương trình, xem xét yêu cầu để định hướng, khuyến khích con hoặc tham gia cùng đặt câu hỏi và có câu trả lời cụ thể, giải thích tường tận.
Đối với học sinh, chương trình dù thay đổi hay không, các em cũng cần nắm chắc kiến thức nền tảng và không nên có tư tưởng học chỉ vì một mục đích ngắn hạn như thi hay vào lớp, trường nhất định. Thay vào đó, các em nên nghĩ bản thân nên trang bị gì để cạnh tranh trong tương lai. Ở mỗi lớp, học sinh cần tìm giải pháp để xem bản thân học như thế nào ở từng môn, tránh chủ quan, đồng thời hiểu rõ yêu cầu và tìm cách học tương ứng.
Phụ huynh nên đồng hành sát sao hơn khi con học chương trình GDPT mới.
Ông cũng khuyến khích phụ huynh có con học lớp 6 năm tới tham khảo các khóa học trực tuyến như Học tốt 6 trên nền tảng Hocmai.vn và đồng hành cùng con ngay từ hè này. Chương trình Học tốt 6 có 6 môn học: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý, Tin học, bám sát chương trình sách giáo khoa mới với các bài giảng trực quan, tương tác cao.
Bên cạnh kiến thức nền tảng, giáo viên chương trình Học Tốt 6 cũng cung cấp nội dung thực hành, nhiệm vụ học tập và cả dự án giúp học sinh kích hoạt tư duy sáng tạo, xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua quá trình tự ứng dụng và trải nghiệm.
Theo vnexpress – Ảnh: HOCMAI